Vai trò của ngoại thích, tiết độ sứ và hoạn quan trong lịch sử nhà Đường Nhà_Đường

Một điều đặc biệt của nạn ngoại thích và phiên trấn thời Đường là ngoài sự uy hiếp đến triều đình trung ương, nó lại giúp triều đình vững mạnh trong một số thời kỳ. Các thành tựu dưới thời Đường Cao Tông có sự góp phần không nhỏ từ sự tham chính của Võ Hậu, bản thân Cao Tông có bệnh về mắt và đột quỵ có tính di truyền trong hoàng tộc, dưới thời Võ Hậu tham chính rồi xưng đế không có sự bất ổn trong xã hội mà chỉ có biến loạn trong Đường thất, các hiền thần Khai Nguyên bắt đầu xuất hiện lúc này, vì vậy bà có thể được xem là người đặt nền móng cho Khai Nguyên thịnh thế. Khi nhà Đường suýt mất trong loạn An Sửloạn Hoàng Sào, vốn là hai cuộc nổi loạn có sức tàn phá hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc, có lẽ chỉ thua loạn Thái Bình Thiên QuốcNội chiến Trung Quốc (1927-1950), nhà Đường đều nhờ binh lực của các tiết độ sứ kết hợp ngoại nhân mà vững vàng trở lại. Một số hoạn quan chẳng hạn như Cao Lực Sĩ trong vài thời kỳ đóng vai trò trung gian tích cực, điều hòa mối quan hệ giữa vua Đường và đại thần, các vua Đường Hiến TôngTuyên Tông là do hoạn quan lập nên nhưng họ lại là những hoàng đế có năng lực, ngay bản thân một số hoạn quan (Lý Phụ Quốc, Ngư Triều Ân, Trình Nguyên Chấn, Câu Văn Trân, Vương Thủ Trừng, Cừu Sĩ Lương, Dương Phục Cung) trong thời kỳ này thì đóng vai trò tích cực, trong thời kỳ khác lại có tác động tiêu cực. Chính vì vậy các hoàng đế nhà Đường không bao giờ kiểm soát được họ, dẹp được thế lực này lại bị thế lực khác lừa dối và uy hiếp.

Ba vấn nạn này vừa tàn phá, lại vừa góp phần củng cố nền cai trị của nhà Đường, cho nên nếu nhìn theo góc độ tích cực, việc áp dụng chính sách tiết độ sứ của nhà Đường đã thành công trên mức trung bình chứ không phải thất bại. Sự sụp đổ vào đầu thế kỷ X còn mang tính chất cực kỳ bất ngờ khi vua Đường cần phải bị ám sát để Chu Ôn có thể cướp ngôi, vì Chu Ôn đã nhận thấy ở Đường Chiêu Tông khả năng khôi phục Đường thất nên đã giết ông. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu không thực hiện giải pháp ám sát bởi các tiết độ sứ xung quanh đa phần đều ủng hộ Chiêu Tông, Đường Ai Đế bị Chu Ôn ép nhượng vị khi chỉ mới 14 tuổi tất nhiên không thể chống nổi Toàn Trung. Không những vậy, Toàn Trung còn phải giết hại toàn bộ hoàng gia chỉ trừ Ai Đế, đến năm 908 cũng giết nốt để diệt trừ hậu họa. Sự kiện này cho thấy rằng đến những ngày cuối cùng của nhà Đường, quyền lực của hoàng đế tuy sụt giảm nghiêm trọng nhưng vẫn còn duy trì ở mức độ có thể giữ được ngai vàng một thời gian dài nữa, nếu như không có sự tiếm vị của Chu Ôn. Hoàng đế vẫn có khả năng kêu gọi được sự thần phục danh nghĩa của các tiết độ sứ và ra lệnh cho họ trong một số công việc, các nước phương nam và nhà Liêu phía Bắc chỉ tách ra sau khi Chu Ôn soán vị. Đó là lý do vì sao nhà Hậu Lương soán ngôi nhà Đường nhưng chỉ có lãnh thổ nhỏ và sớm diệt vong (Thực tế lãnh thổ của Hậu Lương là phạm vi quyền lực của triều đình trong những năm cuối cùng), nhường chỗ cho nhà Hậu Đường. Triều đại này không phải con cháu họ Lý của nhà Đường nhưng thành lập dưới danh nghĩa tôn phò họ Lý. Vì con cháu họ Lý đã bị giết hết nên Lý Tồn Úc tự lập làm vua, nếu Đường Ai Đế còn sống đến năm 923, chúng ta có thể suy đoán ông sẽ được Lý Tồn Úc tôn phò lên ngôi để tiếp tục nhà Đường.

Sau khi Hậu Đường bị diệt còn có nước Nam Đường tự tuyên bố là con cháu họ Lý và phát triển thịnh vượng nhất trong Thập Quốc. Sự xuất hiện của Nam Đường và Hậu Đường cho thấy uy danh của nhà Đường vẫn có sức ảnh hưởng cực lớn trong thời Ngũ Đại, ngay cả khi họ Lý đã không còn một ai. Trong trường hợp Lý Biện thực sự là con cháu họ Lý, thì sự cai trị và sức kháng cự của hoàng tộc nhà Đường đến năm 975 mới thực sự được xem là kết thúc.

Trong thời nhà Tống, việc giải trừ binh quyền của tiết độ sứ hóa ra lại mang nhiều hiểm họa khi nhà Tống bắt đầu tỏ ra yếu kém về quân sự ngay sau khi thống nhất được Thập Quốc, dẫn đến kết cục quân Tống tác chiến yếu kém trước Liêu - Kim - Tây Hạ - Mông Cổ, phải cắt đất xưng thần với họ và cuối cùng mất nước. Nhà Tống đã bộc lộ sự yếu kém về quân sự ngay từ cuối thế kỷ X, tức là không đầy 40 năm từ khi thành lập.